8 tháng, hơn 149.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8 cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Có 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 24,8% và tăng 37,9%.
Có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,8% và tăng 17,1%. Có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13% và giảm 29,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2023 có 79 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,4 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 172 triệu USD, gấp 3,4 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 416,3 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
8 tháng có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó Canada dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư. Singapore 115,1 triệu USD, chiếm 27,6%. Lào 113,9 triệu USD, chiếm 27,4%. Cuba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 2,8%. Isarel 6,1 triệu USD, chiếm 1,5%.
Dịch bạch hầu ở Hà Giang, đã có 2 người chết
Sỏ Y tế Hà Giang thông tin đến ngày 1-9, huyện Mèo Vạc ghi nhận 32 ca nghi ngờ mắc bạch hầu, trong đó có 2 bệnh nhân diễn biến nặng đã tử vong.
Tất cả bệnh nhân xác định và nghi ngờ mắc tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai với 14 ca. Hiện 30 bệnh nhân nghi ngờ đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc.
Một số bệnh nhân có biểu hiện ban đầu như sốt nhẹ, ho khan, đau rát thành họng, nuốt đau, mệt mỏi, ăn kém, có giả mạc... Hà Giang cũng đề nghị các bệnh viện trung ương như Nhi, Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương sẵn sàng cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật điều trị ca bệnh, đặc biệt là các ca bệnh nặng.
Theo Sở Y tế Hà Giang, tỉnh đang thiếu vắc xin tiêm chủng để triển khai chiến dịch tiêm phòng, tại các bệnh viện tỉnh, huyện không có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Theo các chuyên gia bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu.
Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Do vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh.
Trước đó, năm 2021 đã xuất hiện dịch bạch hầu diện rộng tại khu vực Tây Nguyên.
Hà Nội 2 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm. Các chuyên gia cảnh báo dịch gia tăng, nhiều ca bệnh diến biến nặng.
Bệnh nhân đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết 19 tuổi (trú tại quận Hà Đông), có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mãn tính. Một trường hợp khác cũng được ghi nhận tử vong do sốt xuất huyết là nữ bệnh nhân 45 tuổi, ở Hoàn Kiếm.
Tại khu vực miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng 125,2% so với cùng kỳ. Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có số mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất. Đầu tháng 8, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội 500-600 ca/tuần, 2 tuần gần đây đã vượt mốc 1.000 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm, số mắc tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2022.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh khi có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như sốt cao liên tục, nôn, tăng cảm giác đau, đau tức ở vùng gan - hạ sườn phải, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rối loạn kinh nguyệt… cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các chuyên gia cũng nhận định, dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc có thể tăng nhanh vào đầu tháng 9 và tháng 10.
8 tháng chi gần 2.200 tỉ đồng khám chữa bệnh cho học sinh, sinh viên
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 8 tháng đầu 2023, cả nước có trên 5 triệu lượt học sinh, sinh viên khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Tổng số tiền chi trả trên 2.200 tỉ đồng.
Trong năm học 2022 - 2023, cả nước có khoảng 18,8 triệu học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, tỉ lệ tham gia lên tới trên 97%. Cơ quan này nhận định tỉ lệ học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước và tiệm cận mục tiêu bao phủ 100%.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội, hết tháng 6-2023, gần 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tức khoảng 92% tổng số dân. Trung bình một năm, quỹ bảo hiểm y tế chi trả trên 100.000 tỉ cho khám chữa bệnh bảo hiểm. Nửa đầu năm 2023, quỹ chi trên 57.000 tỉ đồng cho gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét