GD&TĐ - Theo các chuyên gia, điểm số cao của trẻ có thể chưa nói lên được điều gì. Trong khi đó, mỗi trẻ đều có những thế mạnh khác nhau.
Vì vậy, phụ huynh hãy để con thật vui tươi và hạnh phúc trong những năm tháng tuổi thơ, thay vì “so kè” điểm số.
Việc chụp thành tích của trẻ hoặc đăng ảnh “khoe” con lên mạng xã hội có thể là hành động tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi, các thông tin cá nhân và hình ảnh của trẻ có thể bị kẻ xấu lợi dụng.
“Hơn thua” điểm số
Kết thúc năm học cũng là thời điểm không ít phụ huynh khoe giấy khen, thành tích của con trên mạng xã hội. Phần lớn các bài đăng của những cha mẹ này đều trưng ra bảng điểm ngập tràn 9 - 10, với nhận xét học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Xem những bảng điểm đẹp như “tranh vẽ” ấy, không ít phụ huynh ngoài sự ngưỡng mộ “con người ta” lại so sánh, tiếc nuối với con nhà mình kiểu rằng: “Con nhà em được như con của anh/chị, muốn gì em cũng chiều” hay “Con giỏi quá. Có được đứa con như vậy bố mẹ cũng mát mặt”. Hoặc như “Con anh, chị giỏi quá. Ước gì bé nhà em cũng được như con anh chị”… Không ít bình luận khen cho bố mẹ nuôi con giỏi khiến các phụ huynh cảm thấy “mát mặt”.
Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết, phần lớn cha mẹ Việt luôn lấy điểm số văn hóa, việc học được văn hóa để đo lường sự phát triển của con mình. Chính vì vậy, chỉ cần con có điểm cao, cô giáo bảo con vẫn tiếp thu được, con không bị kêu ca gì trong học văn hóa là cha mẹ thấy con rất ổn.
Điều đó khiến các phụ huynh ít quan tâm đến khía cạnh khả năng tư duy đa dạng, tính cách, tâm lý, cảm xúc, thái độ, áp lực, kỹ năng, khả năng trẻ thể hiện được trong môi trường sống. Phải đến khi cha mẹ thấy học văn hóa của con bị giảm sút, trẻ không muốn học và không thể học thì mới có thể thay đổi sự quan tâm này. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Phạm Hiền, các phụ huynh khi chụp giấy khen của con lên mạng xã hội chưa lường hết được những hiểm họa rình rập trẻ. Bởi, khi đó, tội phạm có thể biết rõ họ tên, lớp, trường của trẻ và tiếp cận.
Trong khi đó, theo Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, những ngày này, rất nhiều phụ huynh bắt đầu chia sẻ bảng điểm của con mình lên Facebook. Mục đích của họ là khoe kết quả học tập của con mình. Nhìn những bảng điểm ấy, không ít người phải choáng” vì độ học giỏi của các con. Rồi sau đó, phía dưới là những lời bình luận, tung hô khiến phụ huynh cũng mát mặt vì hạnh phúc.
“Thực tế, phụ huynh khoe điểm số của con lên Facebook không có gì là xấu. Họ có quyền tự hào về thành tích của các con. Chỉ có điều, một số phụ huynh hiện khoe con hơi quá đà. Họ đăng điểm cùng những lời chú thích rất ấn tượng. Nhìn cảnh ấy, không ít phụ huynh ngậm ngùi, buồn bã khi con mình không được như thế. Rồi cuối cùng là đem tất cả mọi bực bội trút lên đầu những đứa trẻ”, nữ chuyên gia nhận định.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Lanh nhận được cuộc điện thoại của một cô học trò lớp 8. Em khóc lóc kể rằng, mình đang rất buồn. Em bị mẹ la mắng suốt mấy ngày nay. Lý do là vì em không học giỏi như mẹ mong muốn. Năm nay, em gặp hạn chế ở môn Tiếng Anh nên chỉ đạt khá. Do đó, mẹ trách mắng em không tiếc lời.
Thậm chí, khi lướt Facebook xong, mẹ em mắng nhiều hơn vì tội học dốt, không để cho mẹ ngẩng đầu nhìn ai. Thậm chí, nữ phụ huynh này còn hỏi con “ăn gì mà học ngu thế?”. Sau đó, so sánh con mình với con người ta. Nữ sinh lớp 8 này tâm sự, em cũng đã cố gắng hết sức rồi, nhưng lực học chỉ có thể đạt đến như vậy. Sau những lời mắng mỏ của mẹ, hiện, em rơi vào trạng thái tâm lý vô cùng chán nản.
|
Ảnh minh họa. |
“Tuần trước, một chị hàng xóm gần nhà tôi cũng buồn chán vô cùng, bởi con cái bạn bè chơi chung với chị đều học giỏi. Đứa nào cũng đạt thành tích xuất sắc cả. Nhìn họ đua nhau khoe điểm số của con lên mạng mà chị bực vô cùng. Chưa kể, cứ gặp nhau là họ nói về điểm số của các con. Nhìn con người ta mà chị rầu lòng. Chị cũng đầu tư hết sức cho các con. Vậy mà các con chị chỉ đạt loại khá. Cứ nhìn bọn trẻ là muốn mắng chúng rồi. Ông xã thì cứ khuyên chị để ý hơn thua chuyện điểm số làm gì. Miễn sao các con vui vẻ và chăm ngoan là được rồi”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.
Với trường hợp nữ phụ huynh này, dù biết lời khuyên của chồng là đúng, nhưng không hiểu sao, cứ lướt Facebook thấy người ta khoe điểm con, chị lại tức tối. Rồi cuối cùng là cáu gắt và không thể ngọt ngào được với bọn trẻ. Nói về vấn đề này, theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, hiện nay, không ít phụ huynh rất thích khoe con. Nhất là khoe về thành tích học tập của các con. Cứ thi xong, có kết quả là họ vội chia sẻ ngay lên mạng xã hội. Mục đích là để mọi người biết con mình học giỏi thế nào.
Nhiều người coi thành tích của con như những món đồ trang sức cho mình. Họ vô cùng tự hào, hãnh diện khi nhận được “cơn mưa lời khen” của bạn bè. Song, thực tế, việc khoe điểm số của con không hề tốt. Đặc biệt là khi các phụ huynh đăng lên mạng xã hội, trẻ thường phải chịu áp lực rất lớn về sự kỳ vọng của cha mẹ. Vì vậy, năm sau đó, trẻ sẽ phải cố gắng vì sợ không bằng năm trước.
Ngoài ra, nhiều người còn cáu giận khi con mình học chưa giỏi. Rồi cuối cùng là bực bội, tức tối trút giận lên đầu những đứa con. Do đó, các phụ huynh không nên khoe điểm số của các con. Đồng thời, không nên hơn thua nhau về điểm số của con mình. Bởi, thực tế, điểm số cao của các con hiện nay chưa nói lên được điều gì. Chưa chắc, những đứa trẻ học giỏi sau này đều thành công hết. Do đó, phụ huynh hãy để các con thật vui tươi và hạnh phúc trong những năm tháng tuổi thơ của mình.
|
Cha mẹ không nên công khai điểm số của con mình lên mạng xã hội. Ảnh minh họa. |
Trẻ không được lựa chọn “nhân cách trực tuyến”
Không chỉ công khai thành tích của trẻ, nhiều phụ huynh có sở thích khoe con “mọi lúc, mọi nơi”. Đăng ảnh con lên mạng xã hội là cách nhiều cha mẹ thường làm để đánh dấu và lưu lại những bước ngoặt trong hành trình lớn lên của trẻ. Thậm chí, tên, ảnh, ngày sinh, thành tích, giáo viên, thú cưng của con... đều được cha mẹ đăng tải và cập nhật thường xuyên.
Suy cho cùng, cha mẹ nào cũng muốn “khoe” cho cả thế giới biết con mình tuyệt vời và đáng yêu như thế nào.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thường xuyên đăng tải những thông tin trẻ lên mạng xã hội như vậy đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Bởi, hành động đó xâm phạm quyền riêng tư của trẻ. Đồng thời, khiến trẻ không được lựa chọn “nhân cách trực tuyến” của mình.
Thực tế, việc cha mẹ đăng thông tin trực tuyến về trẻ thường không được sự đồng ý của con. Một cuộc khảo sát của Trung tâm An toàn Internet tại Anh về trải nghiệm trực tuyến của những người trẻ tuổi cho thấy, 46% trẻ cảm thấy lo lắng và mất kiểm soát khi phát hiện ra các bài đăng về bản thân trên mạng mà mình hoàn toàn không hay biết. 44% khác tỏ ra phẫn nộ và chỉ 15% không có phản ứng.
Ở Mỹ, từng xảy ra trường hợp một người mẹ phát hiện thấy trên ảnh cô con gái 8 tuổi và bé trai 9 tháng tuổi của mình trên trang web khiêu dâm. Đây là những hình ảnh bị đánh cắp từ Facebook của người mẹ này. Tương tự, có những trường hợp ảnh trẻ được lấy từ Facebook và Instagram, sau đó bị đăng trên những trang web có nội dung mua bán trẻ em núp dưới chiêu bài “nhận con nuôi”. Đó chỉ là một số trong rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra mà chúng ta chưa hình dung hết được.
Không ít phụ huynh nghĩ đơn giản rằng, việc đưa ảnh con lên mạng là quyền của mình, trong khi hầu như họ không cài đặt các chế độ bảo mật, dù biết là mạng xã hội vốn sẵn chức năng “chia sẻ”. Có vô vàn thông tin mỗi ngày vẫn được chia sẻ đi khắp nơi chỉ thông qua mạng xã hội. Mặt khác, bản thân các trang mạng xã hội cũng đang tự ý sử dụng các hình ảnh được những cá nhân chia sẻ mà không cần xin phép.
Số liệu từ tổ chức ChildFund Việt Nam cho thấy, năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu thuê bao Internet, hơn 66 triệu tài khoản Facebook, và hơn 49,8 triệu tài khoản TikTok. Trong đó, có 87% số tài khoản trên sử dụng Internet hằng ngày, người dùng ngày càng trẻ hóa.
Trong khi đó, khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy, tại trên 30 quốc gia, có 1/3 trẻ em nói đã bị bắt nạt qua mạng. Có hơn 750 nghìn cá nhân thực hiện tìm kiếm trên Internet để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu.
Các khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ kết bạn với người lạ của trẻ em gái cao hơn trẻ em trai. Trẻ em gái nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên mạng xã hội nhiều hơn trẻ em trai. Tỷ lệ trẻ em trai trải nghiệm các rủi ro trên mạng cao hơn trẻ em gái, đặc biệt với rủi ro “truy cập đường link bạn bè hoặc người khác gửi”, “giả làm người khác trên mạng” và “gửi thông tin cá nhân cho người khác”… Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trước khi “khoe” bất kỳ điều gì về con mình trên mạng xã hội, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng và đặt an toàn của trẻ lên hàng đầu.
Theo quy định hiện tại, đa số các mạng xã hội yêu cầu người dùng có độ tuổi tối thiểu là 13 tuổi để đăng ký tài khoản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, luật pháp bảo vệ trẻ em trên mạng có quy định rõ ràng hơn.
Theo “Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, trẻ em dưới 16 tuổi không được sử dụng mạng xã hội mà không có sự đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ”. Trong khi đó, theo một báo cáo, “89% trẻ em Việt Nam từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet. Tuy nhiên, chỉ có 36% trong số đó được cung cấp thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng (số liệu năm 2022)”.