Trong 7 ngày Tết, các cơ sở y tế khám, cấp cứu cho 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng hơn 51% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Bộ Y tế vừa có báo cáo về tình hình công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Theo số liệu tổng hợp từ các cơ sở y tế trên toàn quốc từ ngày 8/2 đến 14/2 (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết), tổng số bệnh nhân đang điều trị là hơn 133.000, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu là gần 417.000, tăng 33%. Có hơn 151.000 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, tăng hơn 4%.
(Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, số ca phẫu thuật cấp cứu, ca đỡ đẻ, mổ đẻ đều giảm.
Trong 7 ngày Tết, các cơ sở y tế khám, cấp cứu cho hơn 23.000 trường hợp nghi liên quan tai nạn giao thông, giảm 12% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, gần 9.000 người phải nhập viện điều trị nội trú, giảm hơn 8%. Gần 3.000 trường hợp phải chuyển tuyến điều trị, tăng 6,5%.
Số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 118 (trong đó tử vong tại viện là 37, tử vong trước viện là 81), giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, có 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng hơn 51% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, 315 người phải nhập viện điều trị, tăng 15%.
Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 87 trường hợp, tăng 56 ca so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, có 4 ca tử vong, tăng 2 ca so với Tết năm ngoái.
Theo Bộ Y tế, số trường hợp khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa cũng giảm gần 10%. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bạc Liêu, tại địa phương ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu (tại bữa tiệc gia đình) xảy ra vào ngày 11/2 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người đã tử vong.
Theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm của 63 tỉnh, thành phố và 5 viện khu vực gửi về Cục An toàn thực phẩm cho thấy từ ngày 8 đến ngày 13/2 cả nước không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc.
Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp các viện khu vực, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế tại địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 12/2, Bộ Y tế cho biết, sau 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 3 tháng Giêng năm Giáp Thìn), số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 35,9% so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
0 nhận xét:
Đăng nhận xét