Ngày 5-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành thông tư số 09/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư số 14/2013 ngày 6-5-2013 về hướng dẫn khám sức khỏe.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-6-2023.
Theo đó, thông tư 09 đã sửa đổi điểm a, khoản 4, điều 4 của thông tư 14 về sổ khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 6 của thông tư 14 đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ.
Cụ thể, khám theo nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại phụ lục 3a (mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ). Riêng lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại phụ lục 3b (hình ảnh dưới).
Cụ thể, nội dung khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ theo thông tư mới gồm khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú, siêu âm tử cung - phần phụ (khi có chỉ định của bác sĩ khám).
Bộ Y tế đề nghị vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc sở y tế các tỉnh thành và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.
Bệnh phụ khoa hiện nay đang trở thành bệnh lý đáng báo động, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung, và sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói riêng.
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do vệ sinh kém, lây nhiễm qua sinh hoạt tình dục, stress, thay đổi môi trường đột ngột, các thủ thuật phụ khoa không an toàn, phụ nữ ở tuổi mãn kinh…
Riêng với phụ nữ lao động trong môi trường nắng nóng, chất lượng vệ sinh kém thì cần phải thường xuyên đi khám phụ khoa để được tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Bệnh phụ khoa thường có những biểu hiện âm thầm, chính vì vậy mà nhiều chị em khá chủ quan. Theo các chuyên gia, để không phải gánh những hậu quả đáng tiếc về sau thì chị em cần triệt để tuân thủ nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét