Cấp cứu vì ăn bánh "lạ"
Khoa cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết từng tiếp nhận trường hợp bé trai 5 tuổi sau khi ăn bánh được hàng xóm cho, bé có biểu hiện nôn nhiều, co giật, hôn mê. Hai trẻ nhỏ khác cùng ăn bánh cũng nhập viện nhưng tình trạng nhẹ hơn. Tiền sử các trẻ đều khỏe mạnh.
Theo lời kể của gia đình, loại bánh trẻ ăn do người hàng xóm mang về từ cuộc liên hoan công ty và cho trẻ.
Sau thời gian điều trị, trẻ phục hồi tốt và đã được ra viện. Do nghi ngờ trẻ ngộ độc thực phẩm có chứa chất gây nghiện, các bác sĩ đã gửi mẫu bánh đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện mẫu bánh này chứa loại ma túy mới, còn được gọi là "sô cô la bay".
Theo các bác sĩ, với trẻ nhỏ hầu hết việc ăn, uống phải thực phẩm có chứa ma túy là do vô tình. Trẻ thường có biểu hiện ngộ độc nặng hơn, rầm rộ hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, lơ mơ, mất ý thức… cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để kịp thời xử lý.
Trước đó, tại Quảng Ninh cũng xảy ra vụ việc nhóm học sinh bị ngộ độc sau khi sử dụng kẹo có chứa ma túy.
Cụ thể, 10 học sinh Trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long có triệu chứng đau đầu, tê bì chân tay sau khi ăn "kẹo lạ".
Khi được đưa vào bệnh viện kiểm tra, qua test nhanh phát hiện tất cả đều dương tính chất ma túy THC - cần sa.
Tràn lan ma túy "núp bóng" thực phẩm
Hiện nay, trên các trang thương mại điện tử không khó để mua được những loại sản phẩm có "tẩm" ma túy với các tên gọi "sô cô la bay", "sô cô la chill"…, với giá 300.000 - 400.000 đồng/hộp. Thậm chí nhiều người bán còn "xả hàng" mua 2 tặng 1 với lời quảng cáo: "Kẹo sô cô la mang lại cho mọi người cảm giác đầm, êm nhẹ, phê...".
Mới đây, Công an TP.HCM cũng cảnh báo về ma túy "núp bóng" dưới hai dạng: trộn trong bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng; ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...
Nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các loại ma túy này sẽ gây ảo giác, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
Tội phạm ma túy thường sử dụng mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch, lập các nhóm kín trên mạng xã hội; giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Mới đây nhất, trung tâm ghi nhận trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô.
"Hiện có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như viên, bột… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Những loại bánh có trộn ma túy chỉ được phát hiện khi mang đi xét nghiệm", bác sĩ Nguyên cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có thể nhận biết trên thị trường những loại thực phẩm có trộn ma túy thường có giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Bởi vậy, người dùng cần chú ý tìm hiểu kỹ những thực phẩm mà mình sử dụng, đọc kỹ thông tin, thành phần trên vỏ bao bì.
Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cần chú ý không để trẻ ăn những loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giáo dục trẻ không nhận đồ ăn, sử dụng đồ ăn từ người lạ.
Với độ tuổi trẻ vị thành niên, cần giáo dục trẻ tác hại của ma túy, đặc biệt với những loại thuốc lá điện tử đang tràn lan trên thị trường hiện nay cũng dễ dàng trà trộn ma túy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét