Chưa thấy giảm cân đã thấy bệnh viện
Mới đây Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nặng. Đó là Nguyễn Thùy Dung (25 tuổi, Hà Nội). Dung cao 1m55, nặng hơn 60kg. Luôn mặc cảm vì thân hình "bánh mì" của mình, cô đã nhiều lần quyết tâm giảm cân, thậm chí cố gắng tập luyện yoga và ăn kiêng nhưng cân nặng vẫn không thể giảm.
Học hỏi kinh nghiệm từ các nhóm làm đẹp trên mạng, Dung tin rằng mình có thể giảm cân nhờ giấm vì chi phí rẻ, không tốn nhiều thời gian và được mọi người review là "rất hiệu quả".
Dung cho biết ban đầu thì hơi khó uống, dần cũng quen, cô sử dụng giấm thay nước lọc và thường sử dụng trước bữa cơm. Sau 15 ngày giảm được 3kg, kết quả này làm cô rất phấn khởi.
Những tưởng uống giấm hiệu quả thật, nên Dung tiếp tục uống. Đến ngoài 20 ngày, những cơn đau bụng dữ dội bắt đầu với tần suất dày đặc, kèm theo hiện tượng chán ăn, hoa mắt, chóng mặt. Đỉnh điểm là nôn ra máu và tím tái mặt mày. Gia đình đưa Dung đi cấp cứu, bác sĩ đưa ra kết luận cô bị xuất huyết dạ dày và hang vị dạ dày xuất hiện 1 ổ loét lớn.
Khi được bác sĩ hỏi về chế độ ăn uống sinh hoạt, có thường xuyên sử dụng rượu bia hoặc các chất thích thích có độ axit cao hay không thì Dung nghĩ ngay đến uống giấm.
Bác sĩ yêu cầu cô dừng ngay việc uống giấm, kết hợp điều trị tích cực. Nếu còn tiếp tục uống giấm, tình trạng sức khỏe sẽ trở nên tồi tệ hơn. Vậy là sau khi ra viện, bên cạnh việc giảm được 3kg, Dung còn được "khuyến mại" thêm bệnh đau dạ dày mãn tính.
Tương tự, bà Hà Thị Dần (51 tuổi, Hà Trung, Thanh Hóa) nhiều năm nay béo phì độ 2, có bệnh lý kèm theo như tiểu đường, mỡ máu. Bà được người họ hàng tặng cho 1 hũ trà giấm, được biết đến có công dụng chữa bách bệnh cải thiện mỡ máu, tiểu đường, gan nhiễm mỡ… và có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
Nghe tác dụng này, bà vô cùng hào hứng và hay dùng vào buổi sáng, tối và trước bữa ăn. Không ngờ 10 ngày sau, bà bất ngờ bị đau bụng dữ dội, bắt đầu ăn uống thuyên giảm và rơi vào trạng thái suy nhược cơ thể, da vàng. Sau khi đi khám bác sĩ, kết quả cho thấy bà bị viêm loét dạ dày nặng, xung huyết dạ dày do uống trà giấm giảm cân.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết việc giảm cân bằng cách uống giấm là không có cơ sở khoa học, không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Việc các chị em tự truyền tai nhau những kinh nghiệm giảm cân được cho là cực kỳ hiệu quả. Và hậu quả cuối cùng là ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, không chỉ tại thời điểm thực hiện, mà hệ lụy có thể kéo dài đến suốt đời.
Uống giấm có thể giúp giảm cân bởi vì nó giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu và ức chế sự hấp thụ của chất béo. Tuy nhiên, nếu sử dụng giấm quá nhiều hoặc trong thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày.
Uống giấm quá nhiều có thể gây ra cảm giác khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Ngoài ra, giấm có tính chất axit, có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày nếu sử dụng quá liều hoặc sử dụng trong thời gian dài.
Nạp thực phẩm có hại vào cơ thể là tự giết mình
Bác sĩ Tuấn cho biết việc giảm cân không đúng cách, tự nạp những thực phẩm có hại vào cơ thể là đang tự giết mình. Ông phân tích giấm ăn là axit acetic, khi đưa vào cơ thể một lượng lớn, đều đặn sẽ khiến dạ dày, đường ruột bị bào mòn.
Nó cũng giết chết các men tiêu hóa, làm người không còn cảm giác muốn ăn. Tùy theo người uống ít hay nhiều mà có mức độ ngộ độc khác nhau. Nhưng nhìn chung, các tác hại có thể thấy rõ là làm suy nhược cơ thể, tác động đến hệ thần kinh, làm hại dạ dày, phổi…
"Không thể nhìn vào những hiệu quả trước mắt khi giảm một vài cân nặng để đánh giá được hiệu quả của phương pháp này, những hệ lụy có thể kéo dài đến suốt đời. Khi uống giấm giảm cân, sẽ bào mòn dạ dày, đường ruột, tiêu diệt các lợi khuẩn làm cơ thể không còn muốn ăn, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng giảm sút hoặc mất hẳn.
Vì thế cân nặng giảm đi, nhưng sự giảm cân này thường đi liền với bệnh tật. Từ đó về sau, có thể để lại những bệnh mạn tính suốt đời. Tôi từng điều trị không ít những người hợp bị thủng dạ dày vì giảm cân bằng giấm", ông Tuấn cho biết.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo nếu bạn muốn sử dụng giấm để giảm cân, bạn nên sử dụng với liều lượng nhỏ và đúng cách. Bạn cũng nên uống giấm sau khi ăn hoặc pha loãng giấm với nước trước khi uống để giảm thiểu tác dụng phụ lên dạ dày. Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc đang dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng giấm.
Nhiều năm trước rất nhiều người đã sử dụng giấm cho mục đích giảm cân và đã được khuyến cáo mức độ nguy hiểm của phương pháp. Gần đây mạng xã hội bắt đầu xuất hiện các clip hướng dẫn sử dụng giấm táo detox.
Đáng chú ý có cả clip của Kols có nhiều người theo dõi, nguy cơ trào lưu uống giấm giảm cân sẽ trở lại và các ca bệnh nguy hiểm kể trên không phải là cuối cùng.
Một số trường hợp tuyệt đối không dùng giấm để giảm cân:
- Đang uống thuốc để chữa bệnh vì có một số loại thuốc dễ bị kết tinh trong môi trường axit của giấm sẽ gây hại cho thận.
- Người đang bị tổn thương ở xương, nếu dùng giấm sẽ làm cho chỗ xương bị tổn thương lâu liền sẹo và đau đớn.
- Người bị sỏi mật khi uống giấm sẽ làm cho túi mật kích thích, co bóp, tạo nên cơn đau.
- Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nếu uống giấm sẽ làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét