Có nhiều cách giúp cải thiện đời sống tinh thần, giải tỏa căng thẳng, bất an, một trong số đó là trở về với thiên nhiên hay là mang thiên nhiên đến với không gian sống thông qua việc chăm sóc cây xanh.
Với hơn 58 triệu kết quả tìm kiếm trên Google, cụm từ "sức khỏe tinh thần" trở nên rất hot trong thời gian gần đây, đặc biệt là với giới trẻ.
Tưới cây - "nạp năng lượng" cho ngày mới
Là một người trẻ sống và làm việc tại Hà Nội, Nguyễn Hoàng Diệu Vy (24 tuổi) có một khu vườn nhỏ trong nhà. Cô tận hưởng việc chăm sóc vườn cây vào mỗi sáng sớm như một thói quen để "nạp năng lượng" cho một ngày mới.
Dù không phải dân chuyên trong việc làm vườn, Vy đã tìm tòi, học hỏi để chăm cây cho cẩn thận và chia sẻ kiến thức lên mạng xã hội, được nhiều người quan tâm, hưởng ứng.
"Khi chăm sóc cây xanh, bản thân mình cũng được thư giãn. Mình tận hưởng việc trồng cây như một cách soi chiếu bản thân, cách mình chăm sóc cây được thể hiện qua từng cành, lá.
Hình ảnh của cây phản ánh chính xác công sức của mình. Giống như cách cuộc đời hoạt động, mình bỏ công sức ra thế nào thì sẽ nhận lại được chính những điều ấy" - cô nàng bộc bạch.
Diệu Vy chia sẻ, bản thân cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi ở gần thiên nhiên và tìm đến cây cối như một sự "trở về" mỗi khi cần xoa dịu tâm hồn.
Cùng niềm đam mê giống như Diệu Vy, cô bạn Ngọc Linh (21 tuổi) cũng có một vườn cây nhỏ trên sân thượng của gia đình.
Ngọc Linh và mẹ thường xuyên chăm chút cẩn thận cho khu vườn nhỏ. Cô đã coi đây như một thói quen tích cực, mang lại nhiều nguồn năng lượng tươi mát.
"Mình coi cách chăm sóc mỗi chậu cây xanh trong nhà là một cách rèn luyện cân bằng cảm xúc, học được tính kiên nhẫn. Việc đều đặn phải tưới nước, "trò chuyện" với cây xanh hằng ngày cũng giúp mình có thêm động lực cho công việc và cuộc sống" - cô bạn chia sẻ.
Chữa lành nhờ chăm cây
Khánh Ly (32 tuổi) - người mắc chứng trầm cảm và rối loạn cảm xúc trong hơn chục năm qua - cũng tìm đến việc trị liệu bằng cây cối. Ban đầu, chị trồng cây trong một căn phòng 15m2. Sau này có điều kiện ra ở riêng, chị đã dành diện tích ban công cho cây cối.
Cảm nhận sâu sắc trong quá trình tự chữa lành nhờ cây cối, Khánh Ly bộc bạch mỗi lần tức giận, chị sẽ đi trộn đất trồng cây hoặc là đổi vị trí các chậu cây, hay thử trồng một cái cây mới để giải tỏa bớt năng lượng tiêu cực.
"Những lúc này tôi sẽ thấy bình tĩnh hơn để nhìn nhận lại vấn đề mình gặp phải. Nhìn màu sắc xanh mát của lá cây cũng khiến tâm trí rất dễ chịu.
Khi năng lượng tiêu cực được gột bỏ bớt thì cũng sẽ tránh ảnh hưởng tới những người xung quanh" - Ly bày tỏ.
Nhiều bạn trẻ khác lại xem trồng cây là một cách để thư giãn, giải tỏa tinh thần và nạp năng lượng sau một ngày học tập và làm việc.
Cao Thế Phong (22 tuổi, Hà Nội) chọn công việc tại một tiệm cây xanh ở Hà Nội. Với anh, chính màu xanh của cây cối đã mang đến cho anh cảm giác thư thái và dễ chịu, nhất là khi làm việc phòng kín và ít tiếp xúc với không gian ngoài trời.
Chưa kể, việc chăm sóc cây xanh cần sự bình tĩnh và nhẫn tại. Người chăm sóc sẽ được "sống chậm", bỏ qua những mệt nhọc, áp lực của cuộc sống xô bồ nơi thủ đô.
Phong bộc bạch, nhịp sống hiện đại trôi nhanh khiến con người ta dễ kiệt sức và dần mất năng lượng.
Do đó, mỗi người trẻ cần dành cho bản thân một quãng nghỉ để nhìn lại chính mình, chậm rãi tận hưởng cuộc sống và quay trở về "khu vườn xanh" trong tâm hồn.
Chuyên gia tâm lý Đặng Khánh An (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ hiện nay trồng cây xanh như một cách trị liệu sức khỏe tinh thần đang là một trào lưu mới. Việc trồng cây xanh ít nhiều tạo nên trải nghiệm thư giãn và cảm giác lành mạnh cho con người.
Ông cũng gửi lời khuyên cho những ai đang cảm thấy cần giúp đỡ, hãy can đảm tìm đến các cơ sở y tế hoặc các văn phòng tham vấn chuyên nghiệp để được hỗ trợ tốt nhất.
Theo chuyên gia này, bên cạnh các nỗ lực tự thân như thực hành thiền, yoga, hay trồng cây, nghe nhạc… các vấn đề khó trong cuộc sống cần sự thảo luận và cả kiến thức chuyên môn về tâm lý để giúp các bạn có thể hiểu tốt hơn, phát triển các kỹ năng ứng phó hiệu quả hơn và có một kế hoạch hay định hướng rõ ràng hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét