TPO - Sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật như ghép thận từ người cho chết não; từ người cho tim ngừng đập, ghép chéo người cho và ghép không tương hợp nhóm máu ABO.
Với chủ đề “Hồi sức người tiềm năng hiến tạng, điều phối tạng và ghép thận”, chương trình đào tạo liên tục do Hội Thận học Thế giới và Hội ghép tạng Thế giới phối hợp cùng Hội ghép tạng Việt Nam tổ chức ngày 12-13/12 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy, tại đây đã tiếp nhận gần 45.000 người đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời. Đây là con số kỷ lục, tạo tiền đề cho bước phát triển mới trong lĩnh vực hiến ghép tạng.
Một trường hợp được các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ghép tạng từ người hiến (ảnh: BVCC) |
Sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật như ghép thận từ người cho chết não (ngày 23/4/2008); từ người cho tim ngừng đập (18/6/2015), ghép chéo người cho (11/1/2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29/12/2021).
Kỹ thuật ghép tạng cứu người đang gặp nhiều khó khăn, mỗi năm trên cả nước đang có hàng chục nghìn bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối cần được ghép để duy trì sự sống, tuy nhiên nguồn tạng hiến rất hạn chế. Từ thực tế trên, cùng với nỗ lực mở rộng các kỹ thuật ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận động cộng đồng tham gia chương trình nhân văn, hiến tạng nhường lại sự sống cho đồng loại khi chẳng may qua đời.
TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết, đến nay, số lượng người đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang chiếm khoảng 60% tổng số đơn đăng ký trên cả nước .
Thời gian tới Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng và phát triển chương trình ghép mô - tạng từ người hiến chết não và ngừng tuần hoàn của Bộ Y tế tại Việt Nam. Chương trình sẽ giúp cho bộ máy vận hành liên quan đến các hoạt động điều phối hiến và ghép tạng được mở rộng mạng lưới thuận lợi, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực và theo kịp sự phát triển trên thế giới.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét