GD&TĐ - Từ độ tuổi mầm non, trẻ đã hiếu động, thích chạy nhảy, khám phá thế giới xung quanh, cha mẹ cần trang bị cho bé một số cách phòng tránh đi lạc.
ThS Nguyễn Thu Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, Hà Nội cho biết, nhiều trường học đã đưa kỹ năng phòng tránh đi lạc lồng ghép vào bài học. Đó là các tình huống có thể hoặc đã xảy ra trong cuộc sống.
Sau đó, cô trò cùng nhau giải quyết bằng các cách khác nhau, làm sao để trẻ phần nào nắm bắt, tiếp cận với thông tin dễ dàng hơn, nhờ đó, trẻ có sự cảnh giác hơn.
Tuy nhiên, theo cô Trang, thời gian học ở trên lớp là chưa đủ để trang bị kỹ năng cho trẻ về vấn đề này. Đừng vì sợ bị lạc mà nhốt trẻ trong 4 bức tường khiến trẻ bị thui chột kỹ năng sống. Bởi vì, cha mẹ không thể theo dõi con suốt 24/24 giờ và cũng không thể theo con cả cuộc đời.
Hãy dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc để con có thể chủ động với mọi tình huống và có những giây phút vui chơi bên ngoài thoải mái vui vẻ. Do đó, cha mẹ cần quan tâm, đồng hành và đặc biệt là hướng dẫn con những kỹ năng cần thiết.
Bình tĩnh
Trẻ đi lạc đường sẽ không thể tránh được sự hoảng loạn. Tuy nhiên, điều này lại gây cản trở cho việc tìm ra phương án, sự trợ giúp để giải quyết vấn đề.
Lời khuyên: Điều đầu tiên mà cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ghi nhớ là phải bình tĩnh, không nên khóc lóc hay gào thét. Việc khóc gào sẽ lôi kéo sự chú ý của những kẻ xấu có thể làm hại con.
Bên cạnh đó hãy giải thích để bé hiểu, việc đi lạc chỉ là tạm thời, không liên lạc được với cha mẹ, không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Hướng dẫn con cần bình tĩnh, ghi nhớ lại các thông tin cần thiết và tìm kiếm sự giúp đỡ an toàn.
Ghi nhớ thông tin cần thiết
Đây là một trong những cách đơn giản mà hiệu quả để giải quyết việc đi lạc. Ở trường mầm non, trẻ cũng đã được học cách ghi nhớ thông tin để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Lời khuyên: Cha mẹ lưu ý những thông tin cần thiết về số điện thoại của cha mẹ, người thân và địa chỉ nhà để dạy trẻ học thuộc. Thường xuyên yêu cầu bé nhắc lại hàng ngày để bảo đảm sau thời gian dài bé không bị quên.
Hướng dẫn con lúc bị lạc, cần nhớ lại thông tin cá nhân để thuận tiện cho việc tìm kiếm sự giúp đỡ tiếp theo.
Lựa chọn sự giúp đỡ an toàn
Không phải bất kỳ ai cũng là người tốt sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Đôi khi, kẻ xấu nắm được tình hình thì càng nguy hiểm hơn với con.
Lời khuyên: Cha mẹ cần lưu ý dạy con nguyên tắc không nói chuyện với người lạ, hay không đi theo người lạ. Hãy dạy con tìm kiếm sự giúp đỡ an toàn từ người lạ, tránh trường hợp trẻ ngần ngại với tất cả những người lạ xung quanh sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhưng cũng cần có kỹ năng nhận diện người có thể giúp đỡ như cô chú bảo vệ, cô chú công an… thông qua các đặc điểm nhận diện như quần áo đồng phục, bảng tên… An toàn hơn có thể hướng dẫn con cách tìm đến khu vực như quầy lễ tân, quầy thanh toán, đồn cảnh sát… để nhờ giúp đỡ. Dặn con cách tìm những người này trong các địa điểm mà cha mẹ đưa con đến.
Ảnh minh họa ITN. |
Cảnh giác với người lạ
Cảnh giác và từ chối người lạ là một trong những điều quan trọng cha mẹ nên dạy cho trẻ để tránh nguy cơ gặp phải kẻ xấu. Trẻ cần phải được trang bị kiến thức khi giao tiếp với người lạ, cẩn trọng với những người cho đồ ăn, đồ chơi, tặng quà để rủ đi chơi, nhờ làm việc gì đó.
Lời khuyên: Người lớn luôn dạy trẻ đặc biệt giữ khoảng cách, cố gắng thu hút sự chú ý của người lớn khác để chống đối nếu họ tiến lại gần. Nếu con đứng ở khoảng trống hãy nhanh chân chạy đến chỗ đông người.
Bố mẹ hãy nói cho con biết, con hoàn toàn có thể la hét, kêu cứu nếu người lạ cố tình lôi kéo, dắt tay con đi.
Sử dụng phương tiện công cộng
Thực tế, rất nhiều trẻ không có kỹ năng về việc sử dụng phương tiện công cộng. Tất nhiên, cách này phải tuỳ theo độ tuổi để hướng dẫn trẻ. Nếu con còn quá bé, khả năng chăm sóc bản thân và cách giao tiếp với xã hội còn chưa tốt thì sẽ là khó khăn lớn.
Lời khuyên: Cha mẹ nên dạy các con cách sử dụng phương tiện công cộng với những trẻ đã lớn, có khả năng nhận biết và thực hiện. Trong trường hợp đi lạc con có thể ghi nhớ địa chỉ, tìm xe buýt, taxi, xe “ôm” để trở về nhà. Hoặc nhờ người tin cậy xung quanh giúp đỡ bằng cách mượn điện thoại để gọi hoặc nói rõ vấn đề của bản thân nhờ họ trả tiền hoặc về đến nhà sau đó người thân trả tiền.
Ngoài việc giải thích bằng lời nói, cha mẹ có thể dạy trẻ ứng phó khi đi lạc bằng các tình huống đóng vai trên thực tế. Có thể đưa trẻ đến địa điểm đông người, tránh khuất tầm mắt của con để quan sát cách con phản ứng và hướng dẫn con cách xử lý thích hợp. Tuy nhiên cha mẹ cần đảm bảo an toàn cho trẻ, đừng cố đặt con mình vào tình huống nguy hiểm.
Ngoài ra cho trẻ xem những đoạn video về bảo vệ an toàn khi đi lạc cũng là một cách dễ tiếp thu. Cùng con xem, phân tích vấn đề đặt ra câu hỏi hoặc để trẻ tự đặt câu hỏi và tự trả lời với các tình huống được xem. Cha mẹ nên cho trẻ xem lại nhiều lần tránh trường hợp vấn đề bị quên lãng.
“Cha mẹ cần chú ý một số nguyên tắc khi đưa trẻ ra ngoài như: Thống nhất với trẻ những điều cần chú ý trước khi ra ngoài như nhớ tên cha mẹ, số điện thoại cha mẹ và người thân, luôn nắm tay người lớn không được tự ý đi lại. Chuẩn bị cho con những bộ đồ sặc sỡ dễ phát hiện, cho con đeo thiết bị định vị, dán tên cha mẹ số điện thoại lên đồ dùng trẻ mang trên người. Không được chủ quan, luôn đặt các con trong tầm kiểm soát, liên tục theo dõi và chú ý đến trẻ”, cô Trang cho biết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét