Trong những cách thức chống dịch thì được tiêm vắc xin là một trong những cách mà mọi người yên tâm nhất. Tôi cũng thế. Nhưng việc được tiêm vắc xin đối với tôi thật không hề dễ dàng.
Tôi là giáo viên lại ở TP.HCM (nơi dịch COVID-19 bùng phát mạnh) nên cũng sớm có tên trong danh sách được tiêm ngừa. Khi trường tôi gửi danh sách giáo viên được tiêm đợt một, tôi đã xin phép chưa tiêm vì lúc đó tôi đang uống thuốc điều trị bệnh giảm tiểu cầu.
Cũng nghe ngóng, đọc trên mạng rằng bị bệnh này không được tiêm vắc xin nhãn A. nên tôi không dám đi tiêm. Ở địa phương, tôi cũng đăng ký nhưng khi thấy thông báo có vắc xin A. và V. thì tôi quay về, muốn để chờ khi nào có vắc xin M. sẽ tiêm.
Đến đầu tháng 8, trường lại gửi danh sách lần hai. Lần này, tôi quyết định đến điểm tiêm ngừa đã thông báo ở một trường học trên đường Lãnh Binh Thăng, quận 11.
Đến nơi, sau khi xếp hàng đăng ký, tôi cũng nói cho bác sĩ biết về việc mình đang uống thuốc điều trị bệnh giảm tiểu cầu, sắp đến ngày tái khám. Bác sĩ tại điểm tiêm ngừa nói:
- Bây giờ ở đây cũng chỉ có vắc xin A.
Rồi bác sĩ bảo tôi về tái khám xem tiểu cầu ra sao mới quyết định có tiêm được không. Tôi quay trở về. Lúc đi đến điểm tiêm thì đi theo hướng dẫn có chốt dân phòng kiểm tra. Khi trở về, trời mưa, tôi định đi đường khác cho nhanh.
Chạy lòng vòng qua các đường ở khu vực quận 11, không biết phải đi đường nào! Vì những con đường quen thuộc tôi vẫn đi giờ bị chăng dây hoặc dựng rào chắn. Lúc ấy đã 17h (18h là giới nghiêm rồi), tôi rất lo lắng.
Đường phố vắng ngắt, không có ai để hỏi. Cuối cùng, tôi cũng chạy ra được con đường được phép lưu thông. Bao lâu ở trong nhà, khi tận mắt nhìn thấy cảnh thành phố trong những ngày dịch như vậy, lòng tôi chùng xuống.
Tôi đi tái khám bệnh giảm tiểu cầu ở Bệnh viện Truyền máu huyết học. Bác sĩ khám và cho biết kết quả tiểu cầu của tôi đã lên 90. Tôi có hỏi bác sĩ rằng tôi tiêm ngừa COVID-19 được không?
Bác sĩ bảo: "Tiểu cầu trên 50 là tiêm được bình thường". Ôi, nếu biết sớm được điều này, tôi đã đi tiêm lâu rồi! Vì lần tái khám trước tiểu cầu của tôi được 80. Lúc nằm viện có 11 thôi, trong khi người bình thường số lượng tiểu cầu 150 - 400 G/L.
Tôi mừng lắm và nghĩ về nhà tôi sẽ chờ gọi là đi tiêm ngay mà không phải đắn đo gì nữa. Nhưng mấy ngày sau, trưa ngày 24-8, tôi được test COVID-19 và nhận kết quả: tôi bị nhiễm bệnh, dương tính rồi.
Tôi về nhà lo lắng và suy nghĩ rất nhiều: "Không biết mình lây bệnh từ đâu? Mình đã thực hiện rất nghiêm quy định 5K mà". Tôi bình tĩnh trở lại, dặn dò con mọi việc vì nghĩ có thể mình đi rồi không trở về nữa! Vậy đấy, tôi đã nhiễm SARS-CoV-2 mà chưa tiêm ngừa mũi nào.
Ngày hôm sau, tôi xách túi ra xe và được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Vĩnh Lộc B. Hai ngày sau, tôi bắt đầu sốt và mỗi ngày lại khó thở hơn. SPO2 thường xuyên đo dưới 90, phải thở oxy. Bệnh ngày một nặng, có lúc mê man không biết gì.
Cũng qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết tôi còn bị tiểu đường nữa. Sau một tuần, tôi được chuyển lên Trung tâm hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Tại đây, tôi được điều trị khoảng hai tuần nữa.
Các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên đã chăm sóc, cứu chữa cho tôi cũng như những bệnh nhân khác ở đó rất tận tình. Tôi cũng luôn tuân thủ theo những yêu cầu của bác sĩ, luôn tin tưởng và hy vọng ở họ. Tôi dần bình phục và được xuất viện.
Tôi may mắn còn sống! Trở về cũng phải mất một thời gian khá lâu: ăn uống, bồi dưỡng, thuốc men, tập hít thở... mới trở lại tương đối bình thường.
Ai đã bị nhiễm bệnh này thì sẽ hiểu: hậu COVID-19 thật là kinh khủng! Được sống và trở về, tôi thấm thía vô cùng về tình người. Tôi rất biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng, các em tình nguyện viên và tất cả người thân, bạn bè đã giúp tôi hồi sinh.
Ba tháng sau, tôi đi tiêm ngừa COVID-19 mũi đầu tiên và lần lượt theo thời gian, theo lịch tiêm ngừa tại địa phương. Tôi đã tiêm đủ 4 mũi, không bị biến chứng hay gặp vấn đề gì cả. Nó giúp tôi yên tâm không lo sợ COVID-19 nữa.
Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi những người cũng có tên trong danh sách được tiêm ngừa với tôi lần đó, họ đã tiêm ngay và ngừa bệnh rất hiệu quả.
Chỉ có vài người nhiễm COVID-19 nhưng nhẹ. Còn tôi, tôi đã phải đi một đường vòng rất xa, phải cận kề với cái chết rồi mới được tiêm chủng!
Tôi nghĩ vắc xin có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng bệnh. Nhờ có vắc xin mà dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19 đã được đẩy lùi. Chúng ta muốn tiêm ngừa thì hãy đến những địa chỉ uy tín để bác sĩ tư vấn kỹ rồi sẽ quyết định có tiêm hay không?
Tránh để chậm trễ như tôi, từ nhà ra nơi tiêm ngừa rất gần nhưng tôi đã phải đi rất xa rồi mới quay trở lại để được tiêm.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đã tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích. Lễ trao giải đã được tổ chức ngày 10-8.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét