Những cơn đau âm ỉ đến đau quặn thận, đau dữ dội, thậm chí đi tiểu ra máu, ra mủ… là triệu chứng bệnh sỏi niệu quản gây ra.
Hỏng thận vì chủ quan để sỏi lâu ngày
Bệnh nhân T.L. (76 tuổi, ở Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) biết bị sỏi niệu quản đã lâu nhưng không điều trị dứt điểm, đến khi xuất hiện những cơn đau quặn thận không chịu nổi mới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới điều trị.
Kết quả bệnh diễn biến nặng: đài bể thận phải ứ nước độ III, xơ hẹp niệu quản bên dưới... May mắn sau khi nội soi lấy sỏi, đặt ống Sonde JJ vào niệu quản, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện.
Không may mắn như bệnh nhân L., một bệnh nhân nam 60 tuổi đã phải cắt bỏ quả thận vì bị sốc nhiễm khuẩn do vỡ ổ mủ từ thận trái vào khoang màng phổi. Theo đó, bệnh nhân phát hiện sỏi niệu quản trái đã lâu năm nhưng tự điều trị tại nhà.
Cách ngày vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hai ngày, bệnh nhân đau tức vùng thắt lưng và hố chậu bên trái, kèm theo sốt kèm rét run 39 - 40 độ C, tức ngực, khó thở... Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, vã mồ hôi lạnh.
Kết quả khám: Sốc nhiễm khuẩn do vỡ ổ mủ từ thận vào khoang màng phổi trái, sỏi niệu quản trái 1/3 trên. Dù được cấp cứu can thiệp dẫn lưu đài bể thận ra da, dẫn lưu khoang màng phổi lấy ra 800ml mủ đặc trắng, mùi hôi, truyền máu, truyền dịch tích cực... nhưng bệnh nhân tiến triển chậm, khoang màng phổi chảy rất nhiều dịch vàng đục, nghi ngờ có rò nước tiểu từ ổ mủ ở bể thận trái vào khoang màng phổi.
Ca phẫu thuật mổ mở do TS Nguyễn Việt Hải, chủ nhiệm khoa tiết niệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thực hiện với nhiều khó khăn như: bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền, thận viêm mủ từ lâu, thận viêm dính và có nhiều khoang chứa mủ, cơ hoành dính sát vào ổ mủ, mất nhận dạng giải phẫu vùng rốn thận...
Với sự nỗ lực của ê kíp, sau 4 giờ đã cắt thận trái thành công và loại bỏ hoàn toàn ổ viêm mủ cho bệnh nhân.
TS Hải khuyến cáo, đối với bệnh nhân mắc sỏi niệu quản thì nên can thiệp loại bỏ sỏi càng sớm càng tốt. Hiện tại với các kỹ thuật nội soi niệu quản tán sỏi hoặc nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, với ưu điểm can thiệp tối thiểu, ít sang chấn, hiệu quả điều trị sạch sỏi sau phẫu thuật rất cao, bệnh nhân hồi phục sớm...
Việc trì hoãn can thiệp có thể dẫn đến các biến chứng nặng và đáng tiếc như nhiễm trùng, tắc nghẽn đường tiết niệu, suy thận, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể cũng như có thể gây tử vong.
Nhiều người có nguy cơ mắc bệnh
Theo PGS.TS Trần Đức - giám đốc Trung tâm tiết niệu và nam khoa, Bệnh viện 108, sỏi niệu quản là một trong các loại sỏi rất hay gặp, chiếm 28% tỉ lệ bệnh lý sỏi tiết niệu. Niệu quản là một ống dài dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản thường do sỏi di chuyển từ thận rơi xuống, nếu nhỏ có thể dễ dàng thoát ra nhưng to thì gây bít tắc dòng chảy nước tiểu.
Sỏi hình thành do sự kết tụ các tinh thể trong nước tiểu, điển hình như canxi, axit uric, cystin, struvite… Người thuộc nhóm nguy cơ cao gồm:
- Người có tiền sử gia đình mắc sỏi niệu quản.
- Người mắc một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh nang thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Người bị viêm ruột mãn tính.
- Người từng thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ruột, xương…
- Không bổ sung đủ nước mỗi ngày.
- Chế độ ăn nhiều natri, protein động vật…
Sỏi niệu quản kích thước nhỏ thường không gây ra triệu chứng và dễ dàng đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Trường hợp sỏi lớn gây cản trở dòng nước tiểu sẽ gây ra một số dấu hiệu nghiêm trọng: Đau âm ỉ vùng hố thắt lưng; Đau quặn thận (đau đột ngột, đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn và sinh dục);
Tiểu buốt, tiểu đau hoặc khó chịu mỗi lần đi tiểu; Nước tiểu có màu sắc bất thường như màu hồng, màu đỏ, nâu sẫm… do sỏi gây chảy máu; Tiểu đục, ra mủ trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu kèm các biểu hiện khác như: sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa…
Bệnh nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng:
- Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: Do sỏi chặn đường nước tiểu đi qua, nước tiểu không xuống được bàng quang để đào thải ra ngoài gây tình trạng ứ nước tại thận, giãn đài bể thận làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
- Viêm nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Khi viên sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu với biểu hiện sốt cao, người lạnh rét run, hố thắt lưng căng đau. Một vài trường hợp nặng còn gây nhiễm khuẩn huyết.
- Suy thận cấp: Sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản gây ra triệu chứng vô niệu.
- Suy thận mạn: Tình trạng viêm đường tiết niệu kéo dài sẽ gây ra suy thận mạn, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.
Để phòng ngừa sỏi niệu quản, mỗi người cần uống đủ nước, tối thiểu 2 lít nước/ngày, bổ sung đủ chất xơ, vitamin từ các loại rau xanh, trái cây tươi. Quan trọng, mỗi người cần cân đối hai nhóm thực phẩm chứa canxi và oxalat, nên kết hợp trong cùng một bữa ăn, tránh ăn quá nhiều oxalat một lúc để đảm bảo đủ dưỡng chất cho cơ thể và không làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
Trong bữa ăn của mọi người cần giảm lượng muối, không ăn quá 2,3g muối/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê), tránh các thực phẩm chứa > 20% natri; giảm đạm động vật từ các loại thịt đỏ, phủ tạng động vật; hạn chế sử dụng các đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều dầu mỡ, đường, muối; tránh lạm dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá; không ngồi quá lâu một tư thế, thường xuyên tập luyện thể dục, kiểm soát tốt cân nặng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét