Cỏ mực xuất hiện nhiều trong các bài thuốc dân gian, nhưng chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cây cỏ mực.
Vừa qua, các bác sĩ BV Bình Dân (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân suy thận cấp, phải lọc máu sau một thời gian uống cỏ mực chữa bệnh.
Trường hợp điển hình là anh P.V.H (47 tuổi), ngụ tại Vĩnh Long. Anh H. là bệnh nhân suy thận độ 3 từng khám và điều trị tại bệnh viện trước đó. Bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc để bảo tồn chức năng thận và ngăn tiến triển của bệnh, tuy nhiên anh không tái khám theo lịch hẹn.
Ảnh minh họa
Đến đầu tháng 10, anh quay lại viện khám vì ăn uống kém, da xanh xao, cơ thể mệt mỏi, chân đau nhức không rõ nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm đánh giá chức năng thận cho thấy anh H. bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn, độ lọc cầu thận chỉ còn 4 ml/phút/1,73m2, tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng.
Ngay lập tức, bác sĩ tư vấn anh phải nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng. Tuy nhiên, anh H. vẫn cho rằng sức khỏe không có gì nghiêm trọng, muốn về đi làm kiếm tiền nuôi con. Các bác sĩ phải giải thích rất kỹ và thuyết phục anh đồng ý điều trị.
Sau 2 ngày, tình trạng đau nhức chân cùng các triệu chứng suy thận khác của anh H. đã giảm, chức năng thận được cải thiện. Tuy nhiên, nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, anh H. vẫn có nguy cơ phải lọc máu định kỳ suốt đời.
Chia sẻ với các bác sĩ, anh H. cho biết đã bỏ điều trị một thời gian. Theo lời mách bảo, anh uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng để trị bệnh thận. Liều lượng mỗi ngày khoảng một nắm tay cỏ mực và 2-3 muỗng đậu đen. Sau khi uống liên tục trong 3 tháng, anh H. rơi vào nguy kịch.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Nội thận Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết đây là một trong số 7 trường hợp phải nhập viện trong vài tháng qua liên quan đến việc uống cỏ mực chữa bệnh.
Cỏ mực là cây gì?
Cây cỏ mực mọc dại nhiều ở vùng quê. Ảnh minh họa
Cây cỏ mực hay còn được gọi là cây cỏ nhọ nồi mọc nhiều ở các cùng quê Việt Nam. Về hình dáng, cỏ mực mọc thẳng đứng có thể cao tới 80cm, thân lông cứng, lá mọc đối có lông 2 mặt, dài 2 - 8cm, rộng 5 - 15mm.
Cụm hoa hình đầu màu trắng ở kẻ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5 - 6mm, cũng có lông. Quả bế 3 cạnh, hoặc dẹt, có cánh, dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt. Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Gọi là cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen.
Cây cỏ mực có công dụng gì với sức khỏe
Cây có thành phần hóa học gồm: Ít tinh dầu, tannin, chất đắng, caroten và chất ancaloit gọi là ecliptin. Có tài liệu nói trong cỏ mực chứa chất wedelolacton - chất curmarin lacton và tách được chất demetylwedelacton và một flavonozit.
Theo y học cổ truyền, cỏ mực có vị ngọt, chua, tính lương (mát huyết), chỉ huyết (cầm máu) vào 2 kinh can và thận, tác dụng bổ thận âm, thanh can nhiệt, làm đen râu tóc, chỉ huyết lỵ, dùng chữa can thận âm kém, xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẩn ngứa…
Trong dân gian thường dùng cỏ mực giã vắt lấy nước để uống cầm máu trong rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ho hen, ho lao, viêm cổ họng. Ngày dùng 6 - 12g dước dạng thuốc sắc hay làm thành viên mà uống. Có người dùng chữa nấm ngoài da, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi), nhuộm tóc.
Cây cỏ mực có mặt trong nhiều bài thuốc đông y. Ảnh minh họa
Theo sách Nam dược thần hiệu, cỏ mực dùng để chữa chứng chảy máu mũi đêm ngày không dứt, lấy cỏ mực giã nát, đắp vào giữa mỏ ác và trên trán.
Sách Đường bản thảo viết, người bị chảy máu dữ dội dùng cỏ mực đắp sẽ cầm, bôi nước lên đầu thì tóc sẽ mọc lại nhanh chóng.
Điền nam bản thảo cho rằng, cỏ mực làm chắc răng, đen tóc, chữa khỏi 9 loại trĩ.
Ngày nay, vị thuốc này được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác.
Viện Dược liệu từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực và nhận thấy nó có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sảy thai.
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực!
Chia sẻ về công dụng của cỏ mực, bác sĩ cho rằng chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực.
Hiện nay chưa có bằng chứng cây cỏ mực chữa suy thận. Ảnh minh họa
Đặc biệt trên người bệnh thận mạn, việc dùng các hoạt chất từ cây cỏ, thuốc, ăn uống hàng ngày cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn. Người bệnh cần thăm khám, điều trị bằng thuốc, kiểm soát thường xuyên các chỉ số như protein niệu, các xét nghiệm đánh giá chức năng thận.
Bác sĩ Thuỳ cho biết thực tế, nhiều bệnh nhân tự ngưng điều trị, tự thay thế hoặc uống kèm lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên Internet. Hậu quả là người bệnh bị suy thận không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.
Ngoài cỏ mực, mạng còn lan truyền nhiều "bài thuốc" lợi tiểu, tốt cho thận như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ. Một số người sử dụng để ngâm rượu uống chữa bệnh, tẩm bổ. Tuy nhiên, tất cả các cây này đều chứa chất độc acid aristolochic gây tổn thương thận, suy thận.
Nguồn: [Link nguồn]
Gừng là gia vị dễ kiếm, có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét