Ngày 25-5, Bệnh viện Bình Dân cho biết nhằm giúp người bệnh trào ngược dạ dày thực quản được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, bệnh viện sẽ tổ chức chương trình tầm soát miễn phí.
Người tham gia chương trình sẽ được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thăm khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân thực tế nếu có và các yếu tố ảnh hưởng tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về sinh hoạt, ăn uống để kiểm soát bệnh và các hướng điều trị cập nhật.
Bác sĩ Lương Thanh Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng bệnh do những thay đổi tại van dạ dày thực quản khiến van này không thể đóng kín, làm dịch từ dạ dày, bao gồm cả axít và dịch mật trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Theo Hội Nội khoa Việt Nam năm 2022, có 7 triệu người bị trào ngược dạ dày thực quản, trong đó có khoảng 60% không kịp thời điều trị, dẫn đến biến chứng như hẹp thực quản, ung thư thực quản…
Trào ngược dạ dày thực quản dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, có thói quen ăn uống không lành mạnh, sử dụng một số loại thuốc.
Nếu không được điều trị hiệu quả, người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh suốt đời.
Đồng thời, trào ngược dạ dày thực quản gây nhiều khó chịu cho người bệnh như viêm họng, ợ chua, hôi miệng, nuốt vướng, nuốt khó, nôn thức ăn hoặc chất lỏng chua, đau ngực hoặc đau vùng thượng vị, viêm thanh quản, ho dai dẳng kéo dài, khó thở, tức ngực…
Các triệu chứng trên cũng thường trùng lắp trong nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, tai mũi họng.
Thời gian tầm soát miễn phí
Thời gian tầm soát từ 7h đến 11h30 các ngày thứ bảy trong tuần, từ ngày 27-5 đến 31-12.
Địa điểm: Khoa khám bệnh, khu kỹ thuật cao, Bệnh viện Bình Dân, địa chỉ số 326 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10 (TP.HCM).
Tổng đài đăng ký: 19007123, người tham gia chương trình tầm soát được miễn phí khám và tư vấn.
Đối tượng tham gia chương trình: người trên 16 tuổi; người đã được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản; người có các triệu chứng tiêu hóa như ợ nóng, nôn thức ăn hoặc chất lỏng chua, đau ngực hoặc đau vùng thượng vị, nuốt khó, nuốt vướng...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét